Người bảo lãnh hoặc đương đơn chính qua đời
Đối với hồ sơ bảo lãnh định cư Mỹ, đương đơn chính hoặc người đứng ra bảo lãnh qua đời điều gì sẽ xảy ra? Hồ sơ bảo lãnh có được tiếp tục hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Phân biệt “người bảo lãnh”, “đương đơn chính”, “đương đơn phụ”
Để dễ hiểu chúng ta phân biệt các khái niệm người bảo lãnh, đương đơn chính, đương đơn phụ qua ví dụ sau:
“Ông David Nguyen quốc tịch Mỹ sống ở tiểu bang Georgia bảo lãnh cho em gái Nguyễn Thị Trúc sống ở Tp.HCM. Bà Trúc có chồng Trần Văn Đức và hai con Trần Nguyễn Minh Thư 8 tuổi, Trần Nguyễn Ngọc Thư 6 tuổi. Ông David có một người em khác James Nguyen cũng đang sống ở Mỹ”.
Trong trường hợp này:
- David Nguyen là người bảo lãnh (petitioner) – công dân Mỹ. Trong các trường hợp khác, người bảo lãnh có thể là LPR (thường trú nhân).
- Nguyễn Thị Trúc là đương đơn chính (principal applicant, principal beneficiary) – công dân Việt Nam có quan hệ huyết thống với người bảo lãnh.
- Trần Văn Đức, Trần Nguyễn Minh Thư và Trần Nguyễn Ngọc Thư là đương đơn phụ (derivative beneficiary, derivative applicant) – những người “ăn theo” đương đơn chính.
- James Nguyen là người thay thế (substitute sponsor).
Hồ sơ bảo lãnh Mỹ chờ bao lâu?
Hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ có diện phải chờ rất lâu mới được xử lý visa, chẳng hạn như diện con có gia đình của công dân Mỹ chờ 12 – 13 năm, diện anh chị em của công dân Mỹ phải chờ trên 14 – 15 năm.
Diện hồ sơ | Thời gian |
---|---|
Diện CR1/IR1: Công dân Mỹ bảo lãnh vợ chồng | 14 tháng |
Diện IR5: Công dân Mỹ bảo lãnh cha mẹ | 14 tháng |
Diện F1: Công dân Mỹ bảo lãnh con độc thân trên 21 tuổi | 6,9 năm |
Diện F2A: Thẻ xanh bảo lãnh vợ / chồng và con dưới 21 tuổi | 24 tháng |
Diện F2B: Thẻ xanh bảo lãnh con độc thân trên 21 tuổi | 6,1 năm |
Diện F3: Công dân Mỹ bảo lãnh con đã lập gia đình | 12,8 năm |
Diện F4: Công dân Mỹ bảo lãnh anh chị em | 14,4 năm |
Thời gian chờ dài đằng đẵng có thể xảy ra những biến cố không mong muốn như người bảo lãnh hoặc đương đơn chính qua đời.
Giả sử điều chẳng may ấy xảy ra liệu hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ có được tiếp tục? Chúng ta sẽ xem xét hai trường hợp:
- Người bảo lãnh qua đời, và;
- Người được bảo lãnh qua đời.
1. Người bảo lãnh qua đời
Điều gì xảy ra khi người bảo lãnh qua đời? Liệu đương đơn chính và người đi cùng có được đến Mỹ hay không?
Khi đương đơn chính chưa đặt chân đến Mỹ
Trước đây hồ sơ bảo lãnh sẽ không được chấp thuận nếu người bảo lãnh qua đời. Năm 2009, Quốc hội Mỹ đã thông qua một số quy định cho phép người được bảo lãnh hưởng chính sách di trú thông qua người thân đã qua đời trong một số trường hợp nhất định.
Nếu người bảo lãnh qua đời trước khi đơn I-130 được chấp thuận, nói cách khác, chưa nhận được nhiều hơn 1 receipt từ USCIS, đơn xin nhập cư của bạn sẽ bị thu hồi mà không có khả năng phục hồi.
Nếu người bảo lãnh qua đời sau khi đơn I-130 được chấp thuận nhưng trước khi nhận visa, về mặt kỹ thuật USCIS sẽ thu hồi hồ sơ bảo lãnh, tuy nhiên sau đó đương đơn chính có thể xin phục hồi hồ sơ theo diện nhân đạo.
Hồ sơ sau khi được USCIS chấp thuận sẽ chuyển sang NVC, Lãnh sự quán để làm visa nhưng nếu người bảo lãnh qua đời sẽ được chuyển trả về USCIS thu hồi đơn bảo lãnh.
USCIS sẽ khôi phục đơn I-130 đã hủy khi có lý do cần thiết về nhân đạo như tìm được một người khác sẵn sàng bảo lãnh và hoàn tất bảo trợ tài chính (I-864) cho người bảo lãnh đã chết.
Người thay thế phải thỏa mãn những điều kiện sau:
- Là công dân Mỹ, hoặc thường trú nhân;
- Tuổi từ 18 trở lên; và
- Spouse (vợ chồng), parent (cha mẹ), mother-in-law (mẹ vợ), father-in-law (cha vợ), sibling (anh chị em), child (con), son (con trai), daughter (con gái), son-in-law (con rể), daughter-in-law (con dâu), sister-in-law (chị em dâu), brother-in-law (anh em rể), grandparent (ông bà), grandchild (cháu), or legal guardian (người đỡ đầu hợp pháp).
Cụ thể hơn các điều kiện của người thay thế:
1. Cấp bậc của người thay thế
- Người bảo lãnh là cha hoặc mẹ, người thay thế có thể là mẹ hoặc cha (F1, F2A, F2B, F3)
- Người bảo lãnh là con, người thay thế có thể là một trong những người con khác (IR5).
- Người bảo lãnh là anh chị em, người thay thế có thể là một trong những anh chị em khác (F4).
- Người bảo lãnh là vợ/chồng thì không có người thay thế (CR1, IR1). Trường hợp này hồ sơ sẽ đóng lại. Người được bảo lãnh ở Việt Nam có thể nộp hồ sơ tự bảo lãnh.
- Nếu không có người thay thế cùng vị trí thì USCIS có thể chấp thuận người thay thế khác cấp bậc, nhưng việc này phải có sự thông qua Lãnh sự Mỹ.
2. Tài chính của người thay thế. Người thay thế đủ khả năng tài chính để bảo trợ cho người được bảo lãnh. Trường hợp này vẫn có thể tìm đồng bảo trợ nếu người thay thế không đủ tài chính.
3. Thông báo kịp thời cho nơi xử lý hồ sơ. Tùy thuộc vào hồ sơ bảo lãnh đang ở giai đoạn nào, người thay thế phải thông báo cho nơi đang xử lý hồ sơ biết việc người bảo lãnh qua đời. Việc thông báo chậm trễ khiến đơn I-130 có thể không được phục hồi.
Khi đương đơn chính đã đặt chân đến Mỹ
Đương đơn chính đã ở Mỹ và trở thành thường trú nhân khi người bảo lãnh mất thì đương đơn phụ (thường là con của đương đơn chính) tiếp tục hưởng quyền định cư.
Trong trường hợp này giấy tờ bảo trợ tài chính (I-864, bảng khai thuế thu nhập liên bang IRS, 1040, W-2/1099…) phải là giấy tờ của đương đơn chính chứ không phải là giấy tờ của người bảo lãnh đã mất.
2. Đương đơn chính qua đời
Nhiều người thường quan tâm đến khả năng hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ có tiếp tục được thụ lý hay không khi đương đơn chính qua đời.
Trước khi có visa
Khi đương đơn chính qua đời trước khi hồ sơ của người này được cấp visa, liệu các thành viên còn lại của người này có thể nhập cư vào Mỹ không?
Câu trả lời: KHÔNG.
Thật không may những người đi theo phụ thuộc vào đương đơn chính. Nếu đương đơn chính không đủ điều kiện được cấp visa thì các đương đơn phụ cũng sẽ không được cấp visa, ngay cả trường hợp người bảo lãnh còn sống.
Luật phục hồi nhân đạo không được áp dụng cho đương đơn phụ nếu đương đơn chính qua đời.
Trở lại ví dụ trên, bà Nguyễn Thị Trúc là đương đơn chính qua đời thì đơn I-130 tự động bị thu hồi. Những đương đơn phụ như Trần Văn Đức, Trần Nguyễn Minh Thư và Trần Nguyễn Ngọc Thư sẽ không được nhận visa để qua Mỹ.
Tuy nhiên câu chuyện vẫn chưa kết thúc ở đây. Theo điều 204(l) của Luật Di trú Mỹ (INA), đương đơn phụ vẫn có thể phục hồi I-130 trong những trường hợp sau:
- Đã sống ở Mỹ vào thời điểm đương đơn chính qua đời.
- Đương đơn chính qua đời trong khi I-130 đang được xử lý, đã chấp thuận hoặc I-485 đang được xử lý.
Xin lưu ý điều quan trọng là INA 204(l) chỉ áp dụng cho các đương đơn phụ đã ở Mỹ tại thời điểm người thân qua đời. Những trường hợp đương đơn phụ dạng này có thể qua Mỹ theo visa du lịch hoặc du học Mỹ.
Như vậy:
- Nếu bà Nguyễn Thị Trúc qua đời trong lúc toàn bộ thành viên gia đình ở Việt Nam thì hồ sơ bảo lãnh I-130 sẽ bị thu hồi.
- Nếu bà Nguyễn Thị Trúc qua đời trong lúc có thành viên đang sinh sống ở Mỹ thì hồ sơ bảo lãnh I-130 hoặc I-485 sẽ tiếp tục được xử lý cho thành viên đang ở Mỹ.
Sau khi có visa
Điều gì xảy ra khi đương đơn chính qua đời sau khi có visa nhưng trước khi nhập cảnh Mỹ?
Câu trả lời: Đương đơn phụ vẫn được phép nhập cảnh Mỹ bình thường.
3. Đặc biệt: Người bảo lãnh diện vợ chồng qua đời
Trường hợp đơn bảo lãnh đang được xử lý
Người bảo lãnh qua đời trong thời gian đơn I-130 được xử lý thì hồ sơ sẽ tự động được chuyển sang đơn I-360 khi bổ sung giấy chứng tử của công dân Mỹ đã qua đời.
Hồ sơ tự bảo lãnh thuộc trường hợp đặc biệt không cần phải nộp bộ tài chính (đơn I-864), thời gian xử lý lâu hơn bình thường. Người phía Việt Nam có thể mang con riêng nhỏ hơn 21 tuổi đi cùng nếu vợ chồng đã kết hôn trước khi người con này đủ 18 tuổi.
Trường hợp chưa nộp hồ sơ bảo lãnh
Người bảo lãnh qua đời nhưng chưa nộp đơn I-130 thì vợ/chồng phía Việt Nam có thể nộp đơn tự bảo lãnh (I-360) với điều kiện:
- Bạn là vợ / chồng của công dân Mỹ tại thời điểm người này mất (vợ chồng tức là có đăng ký kết hôn).
- Bạn chưa tái hôn.
- Bạn mở hồ sơ trong vòng 2 năm sau khi công dân Mỹ mất.
Xem đầy đủ thông tin về trường hợp đặc biệt này qua bài Nộp đơn tự bảo lãnh đi Mỹ khi vợ hoặc chồng qua đời.
Cần làm gì chẳng may rơi vào những trường hợp này?
Nếu chẳng may rơi vào trường hợp được đề cập trong bài viết này, quý vị hãy liên hệ văn phòng Green Visa để được hỗ trợ. Chúng tôi sẽ xem xét hồ sơ bảo lãnh, hỗ trợ quý vị những bước cần thiết để hồ sơ bảo lãnh tiếp tục được xử lý.
Một số câu hỏi thường gặp về trường hợp người bảo lãnh hoặc đương đơn chính qua đời.
Người bảo lãnh qua đời hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ có giữ nguyên diện trước đó trong trường hợp tìm được người thay thế?
Trường hợp người bảo lãnh qua đời, hồ sơ của quý vị sẽ được giữ nguyên diện trước đó và giữ nguyên ngày ưu tiên nếu tìm được người thay thế đứng ra chịu trách nhiệm bảo lãnh.
Trường hợp có người bảo lãnh qua đời, hồ sơ bảo lãnh đi Mỹ có được xử lý theo lịch thông thường?
Tùy theo thời điểm người thân qua đời hồ sơ bảo lãnh đang ở giai đoạn nào mà thời gian xử lý khác nhau. Nếu đang ở giai đoạn Lãnh sự quán, hồ sơ sẽ chuyển trở lại Sở Di trú để phục hồi I-130 thì thời gian xử lý lâu hơn bình thường.
Cần làm gì nếu người bảo lãnh qua đời?
Nếu quý vị chẳng may rơi vào trường hợp người bảo lãnh qua đời hãy liên hệ văn phòng Di trú Green Visa để chúng tôi hỗ trợ quý vị phục hồi lại hồ sơ bảo lãnh I-130 theo diện nhân đạo.
chào
nếu người bảo lãnh mất sau khi i-130 được chấp thuận và có con thay thế hồ sơ. người bảo lảnh có cần làm 1 bộ bảo trợ tài chánh và người thay thế có phải làm một bộ bảo trợ tài chánh không
Chào bạn,
Người bảo lãnh mất sau khi I-130 được chấp thuận có thể xin nhân đạo. Trước hết thông báo người bảo lãnh mất cho NVC, NVC sẽ gửi hướng dẫn hồ sơ nhân đạo. Hồ sơ nhân đạo có bộ giấy tờ bảo trợ tài chính của người thay thế. Nếu người thay thế không đủ tài chính thì có thể tìm thêm người đồng bảo trợ.
Người được bảo lãnh theo diện Anh/Chị/Em mất sau khi I 130 được chấp nhận thì gia đình của người được bảo lãnh có được tiếp tục đến Mỹ không? Trường hợp được thì cần làm gì?
Chào Thuy,
Chia buồn với bạn và gia đình. Trường hợp đương đơn chính đứng tên hồ sơ bảo lãnh diện anh chị em qua đời thì hồ sơ này sẽ bị thu hồi. Chỉ có đương đơn phụ đang ở Mỹ mới tiếp tục hưởng được hồ sơ bảo lãnh. Đương đơn phụ thường là con đang du học ở Mỹ với tình trạng cư trú I-94 ghi “D/S”.